Đa số động vật đều ngủ đông, tại sao hải sâm lại ngủ hè?
 

Hải sâm còn được gọi là dưa biển.

Nghe qua, chuyện này có vẻ ngược đời, vì hầu hết những động vật phải đi ngủ một mùa nào đó trong năm đều chọn mùa đông, chẳng hạn chuột hoang, rái cá cạn, nhím hay gấu chó. Đó là vì khi đông đến, thức ăn của chúng bị hạn chế. Còn hải sâm thì sao?

Té ra, nguyên nhân giấc ngủ dài của hải sâm cũng y như của những loài khác, có điều, thức ăn của nó cạn kiệt vào mùa hè chứ không phải mùa đông. Hải sâm sống nhờ vào các sinh vật nhỏ dưới đáy biển. Các sinh vật này thay đổi vị trí phân bố trong ngày và trong năm theo sự thay đổi của nhiệt độ nước. Ban ngày nước ấm, chúng nổi lên, ban đêm nước lạnh chúng quay xuống dưới đáy.

Khi mùa hè tới, tầng trên của nước biển trở nên ấm hơn nhiều do kết quả của việc ánh mặt trời chiếu mạnh. Lúc này, các sinh vật nhỏ dưới đáy biển đều nổi lên trên mặt nước. Trong khi đó, hải sâm lại rất mẫn cảm với nhiệt độ. Khi nhiệt độ nước vượt quá 20 độ C, chúng sẽ di chuyển xuống dưới đáy biển sâu. Do nơi ở mới thiếu thức ăn, nên hải sâm đành phải đi vào trạng thái ngủ hè. Đây là thói quen của sinh vật được tạo thành do phải thích ứng với môi trường.

(Theo Bộ sách tri thức)